Tên gọi của bộ phim đã gợi lên một cảm giác không thoải mái.
Nhưng nếu sự thật mà dễ nghe thì chỉ là thật một nửa. Thật một nửa thì có phải
là thật hay không?
Bộ phim là một tác phẩm hoàn hảo đến
từng chi tiết, từng cảnh quay, từng nhân vật và từng câu thoại. Không có bất kì
thứ gì thiếu ý đồ được đặt vào 2 tiếng phim, mỗi giây trôi qua đều được sắp đặt
và trau chuốt tới mức rợn người. Thật sự quá xuất sắc và thật sự khó có cách
nào để khen và diễn tả đúng nghĩa cái hay mà bộ phim này mang lại.
“Ký Sinh Trùng” phản ánh một mối
quan hệ đáng sợ trong xã hội hiện đại: ký sinh và cộng sinh giữa người giàu, kẻ
nghèo. Người giàu hút máu của kẻ nghèo để giàu lên, kẻ nghèo lại bám vào người
giàu mà hút máu lại. Cứ như vậy, chúng là một vòng luẩn quẩn chẳng bao giờ kết
thúc, trừ khi có kẻ nào đó hết máu, bị dồn vào giới hạn, và chúng sẽ vượt ra khỏi
giới hạn cuối cùng.
Đã có nhiều hơn một nhân vật trong
“Ký Sinh Trùng” đi quá giới hạn đó.
Chỉ khi tập trung xem đến gần phân nửa,
tôi mới có thể phần nào hiểu được hình tượng “ký sinh trùng” được đạo diễn Bong
Joon-ho sử dụng để ám chỉ điều gì. Câu chuyện phim mở đầu với gia đình ông Kim
(Song Kang-ho thủ vai) thất nghiệp và sống trong một căn hộ tồi tàn được đặt dưới
tầng hầm.
Khởi đầu bộ phim, các nhân vật còn
trong hang ổ trú ẩn, chui rúc như những con gián. Một ngày nọ, một người bạn của
Ki-woo (con trai ông Kim), nói với anh ta về một cơ hội việc làm: gia đình Park
giàu có cần một gia sư tiếng Anh cho cô con gái tuổi teen của họ. Vì đã trang bị
được những bằng cấp giả, anh ta nhận được công việc. Không chỉ vậy, Ki-woo còn
gợi ý rằng em gái của anh ta, Ki-jung, người mà anh ta giới thiệu là em họ của
một người bạn, sẽ là gia sư nghệ thuật lý tưởng cho con trai của gia đình Park.
Không lâu trước kia, Cha, Ki-taek và mẹ, Chung-sook, cũng được nhận làm tài xế
và quản gia ... tất cả những điều này được thực hiện theo cách mà họ chỉ quen
biết nhau thông thường, không hề có quan hệ họ hàng, ruột thịt. Rốt cuộc, từng
thành viên trong gia đình nghèo cũng vào được gia đình giàu có dưới nhiều vai
trò khác nhau, bắt đầu cuộc sống “ký sinh trùng” ăn bám cho tới khi hàng loạt
biến cố xảy ra làm tất cả đảo lộn trong phút chốc. Càng dấn sâu vào con đường lừa
lọc, tiếp xúc với sự giàu có, con người ta càng thay đổi. Lòng tham xuất hiện,
cùng với đó là ích kỷ, sân si, và đặc biệt hơn nữa, mà Joon-ho Bong có lẽ là
người đầu tiên khai thác, chính là sự tự ti, tự nhục và tự tôn của người nghèo,
thể hiện qua nhân vật ông bố Ki-taek.
Đây một bộ phim hài mang lại nhiều
tiếng cười, là một bình luận xã hội về sự khác biệt lớn của sự giàu có và nghèo
nàn trong xã hội Hàn Quốc, là đồ chơi với những trò chơi kinh dị, có yếu tố
lãng mạn và có cả những khoảnh khắc bạo lực. Nó có thể trở thành một mớ hỗn độn
thực sự nhưng các yếu tố hòa trộn với nhau gần như hoàn hảo. Dàn diễn viên đã hoàn
thành công việc cực kì tốt khiến các nhân vật trở nên đáng tin cậy ngay cả khi
tình huống quá xa vời.
Nhiều ý kiến cho rằng gia đình này bất
tài. Nhưng tôi nghĩ điều đó là sai, bất tài vô dụng thì không có khả năng đi lừa
người khác, huống gì là đi lừa gia đình tài phiệt mà tiền bạc và trí tuệ là thứ
họ có thừa (bất tài ở ngoài đời có khi còn bị lừa, ức hiếp, bóc lột... bởi những
kẻ mạnh hơn). Nhìn cách làm việc của mỗi thành viên trong gia đình Kim đều có
thần thái không thua kém gì một người giàu có và tri thức thật sự: Cách ăn mặc,
phối đồ, tóc tai, đi đứng, đối đáp, ứng phó tình huống, cách nấu ăn, bày trí
theo phong cách Âu, cách vận hành một chiếc xế hộp, cách vấn đáp với ông bà nhà
giàu... đi sâu vào từng nhân vật lại càng thấy rõ bản chất của họ rất cao đẹp,
không hề thua kém bọn người giàu chút nào. Phải chăng là thời vận của họ thua
kém người khác thôi? Khi 2 vợ chồng thất nghiệp và còn nhiều thứ cần nhìn sâu
vào nữa.
Phim khai thác tâm lý nhân vật rõ
ràng, ban đầu tôi xem rõ ràng rất ghét gia đình kia vì đi lừa đảo, tôi còn tưởng
tượng đến cả viễn cảnh những người này lập ra kế hoạch giết người cướp của cơ.
Suy cho cùng ước mơ của họ chỉ là mong muốn có một mái ấm, được giải thoát khỏi
sự bức bối khi sống trong căn nhà ổ chuột kia. Chi tiết không ngờ nhất là hai vợ
chồng nhà kia sống ở dưới tầng hầm, tự nhiên tới đoạn đó liên tưởng ngay tới
tiêu đề của bộ phim, tầng lớp thấp cổ bé họng của xã hội phải nương nhờ lấy một
chút không gian của đám người giàu xa hoa, chưa từng biết tới cảm giác chua xót
vì nghèo khổ là như thế nào. Và ám ảnh nhất chắc có lẽ là ánh mắt của ông bố ở
gần cuối phim, nó gợi lên cảm giác đau đớn đến tận cùng: không còn gì có thể cứu
vãn được nữa rồi…
Bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc “Ký
sinh trùng” (Parasite) đã giành chiến thắng ngoạn mục tại lễ trao giải Oscar
2020 với 4 giải thưởng: Phim hay nhất; Đạo
diễn xuất sắc nhất; Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Phim quốc tế xuất sắc nhất. Nếu
cảm thấy hứng thú, tôi nghĩ bạn nên tự mình xem để thưởng thức, để suy ngẫm.
Tôi dám cá “Ký sinh trùng” sẽ không làm bạn thất vọng!
0 Nhận xét